Chào các mẹ, hôm nay chúng ta cùng tổng hợp tất cả các kiến thức mà mẹ bỉm cần biết về em bé 6 tháng tuổi nhé! Bé 6 tháng tuổi là một giai đoạn phát triển đặc biệt với nhiều sự thay đổi về thể chất, vận động và cảm xúc. Ở đây mình đã dành thời gian nghiên cứu và cô đọng lại những kiến thức thiết yếu, cơ bản nhất mà mỗi mẹ bỉm cần nắm được, chúng sẽ giúp các mẹ nắm vững tình trạng phát triển của bé, dễ dàng kiểm tra và có kế hoạch chăm sóc bé phù hợp nha.
Thứ nhất: Về chiều cao và cân nặng chuẩn của bé
1)Cân nặng: Bé gái từ 6.4 – 8.9 kg, lý tưởng 7.3kg ; bé trai từ 6.8 – 9.5 kg, lý tưởng 7.9kg
2)Chiều cao: Bé gái 63 – 69 cm, lý tưởng 65.7 cm; 64.1 cm; bé trai 65 – 71 cm, lý tưởng 67.6cm
Đây là chỉ mức trung bình, miễn bé khỏe mạnh, mẹ không cần quá lo nếu bé nặng hay nhẹ hơn, cao hay thấp hơn 1 chút nhé.
Thứ 2: Về chế độ dinh dưỡng
1)Sữa mẹ hoặc sữa công thức:
Bé vẫn cần sữa mẹ/sữa công thức là nguồn dinh dưỡng chính, khoảng 700 – 900 ml mỗi ngày, các mẹ có thể chia làm 4-5 lần bú.
Nếu bé bú mẹ, bé bú no cần từ 20-30 phút và khi bé tự nhả ti ra, bé ngoan, vui vẻ, ngủ sâu ngon giấc sau khi bú tức là bé đã no.
Hoặc các mẹ có thể tính tổng lượng sữa bé cần mỗi ngày bằng số cân nặng x 100ml sữa nếu bé đã ăn dặm hoặc bằng số cân nặng x 120ml sữa nếu bé chưa ăn dặm.
Khoảng cách cữ sữa là 4 giờ. Ban đêm lý tưởng bé cần 1 cữ sữa.
2)Về Ăn Dặm:
Mình có cả 1 video chi tiết tổng hợp tất cả các kiến thức cơ bản về ăn dặm và cách để lập 1 kế hoạch ăn dặm chi tiết trong vòng 5 phút, các mẹ có thể xem thêm ở phần mô tả nhé
Bé làm quen với ăn dặm 1 bữa/ngày. Các món ăn có thể gồm: bột gạo, cháo rây tỷ lệ 1:10, các loại rau củ như bí đỏ, cà rốt, khoai lang và trái cây như chuối, bơ (xay nhuyễn) làm quen với dầu oliu. Đương nhiên là phải cho bé làm quen dần dần và có lịch trình chứ không thể ăn ngay được
Lượng thức ăn: Khoảng 2-3 muỗng nhỏ thức ăn xay nhuyễn trong lần đầu, tăng dần khi bé đã quen. Tất cả vẫn đang ở dạng lỏng và tối đa không quá số cân nặng x 30ml thức ăn cho mỗi bữa nhé
3)Nước
Bé uống được nước rồi nhưng lượng nước cung cấp trong sữa vẫn là chính, bé cần thêm khoảng 60-120ml mỗi ngày
Thứ 3: Chế Độ Ngủ
Giấc ngủ ban đêm: Bé cần 9-11 tiếng vào ban đêm. Các mẹ cố gắng tạo không gian yên tĩnh, tối để giúp bé ngủ sâu.
Giấc ngủ ban ngày: 2-3 giấc ngắn vào ban ngày, mỗi giấc khoảng 1-2 tiếng giúp bé thư giãn và phục hồi năng lượng.
Bé được 6 tháng tuổi, cũng là lúc bé bắt đầu biết lật và yếu thích nằm sấp khi ngủ. Bạn nên chú ý tới bé vì nằm sấp nhiều cũng không tốt cho sức khỏe của bé
Thứ 4: Vệ Sinh Cho Bé
Tắm và vệ sinh: Chú ý làm sạch các vùng cổ, nách, và nếp gấp trên cơ thể bé.
Chăm sóc răng miệng: Dùng khăn mềm hoặc gạc y tế lau nhẹ nướu để giúp bé quen với vệ sinh răng miệng.
Rửa tay trước khi bế hoặc cho bé ăn: Điều này rất quan trọng để tránh vi khuẩn gây bệnh.
Bé đi nặng ít hơn sau khi ăn dặm và thành khuôn hơn nhé. Có thể 1 ngày 1 lần và cũng có thể 2,3 ngày 1 lần là hết sức bình thường
Bé đi nhẹ bình thường mẹ vẫn thay khoảng 5 chiếc tã mỗi ngày và nếu bạn thấy sau 8 tiếng mà bỉm vẫn hoàn toàn khô ráo có nghĩa là bé thiếu nước đó nhé
Thứ 5: Phát Triển Vận Động
1)Kỹ năng vận động: Bé bắt đầu lật, biết ngồi hoặc ít nhất là cố gắng dùng tay và chân để đẩy mình. Mẹ nên cho bé chơi trên thảm để bé tự do vận động.
Bé có thể lật ở mọi hướng, có thể tự lăn đầu từ bên này sang bên kia và ngược lại, Đảm bảo an toàn cho con vì bé di chuyển rất chi là nhanh, dễ lăn xuống giường nữa. Bé còn có thể bò trườn nhanh và lắc bên này lắc bên kia khi bò nữa, bé đang cố gắng tập bò ạ
Bé thích nhún mỗi khi được bế ở tư thế đứng
Bé biết ngồi tuy không thật sự vững vàng nhưng đã có thể ngồi mà không cần sự hỗ trợ, mẹ nên tập ngồi để chuẩn bị cho bé ăn dặm
Bé có thể học cách tắc lưỡi như người lớn và vơ lấy tất cả mọi thứ và cho vào mồm. Bạn đừng nên cố gắng ngăn cản bé mà thay vào đó nên chuẩn bị những món đồ sạch sẽ để bé khám phá
Bé sẽ bắt đầu truyền đồ vật từ tay này sang tay kia. Bé bắt đầu chuyển từ việc nắm đồ vật bằng cả bàn tay sang cầm bằng ngón cái và ngón trỏ.
Bạn nên tập cai mút tay hoặc cai ngậm ti giả. Nên để bé chuyển hướng chú ý khỏi việc mút tay chứ không nên giằng tay con ra nha
2)Đồ chơi phù hợp: Các đồ chơi nhiều màu sắc, nhẹ, dễ cầm giúp bé phát triển kỹ năng cầm nắm và khả năng tập trung.
Thứ 6: Phát Triển Giao Tiếp và Cảm Xúc
1)Giao tiếp:
Bé đã bắt đầu biết phát ra những âm đơn giản như a, i, ba,… Bé sẽ có phản ứng rõ ràng khi nghe giọng mẹ, cười khi vui, nói bi bô khi thích thú và trả lời mẹ khi mẹ nói chuyện với bé. Mẹ có thể giao tiếp bằng cách nói chuyện, hát ru, hoặc cười đáp lại bé.
Khi được 6 tháng tuổi, bé có thể phân biệt được người lớn và trẻ con, biết vươn tay nắm hay níu áo hoặc phát âm để chủ động giao lưu với người khác. Bé cũng biết cười với những trẻ khác và đưa tay chạm vào chúng. Bé tìm hiểu về thế giới xung quanh bằng cách nếm thử và chạm tay vào
Bé biết về các phản ứng với người lạ như: sợ hãi, khóc hoặc đòi mẹ.
Bé thích nhìn mình trong gương.
2)Phát triển cảm xúc:
Bé nhận biết cảm xúc của người khác, mẹ nên cười, chơi đùa cùng bé để tạo môi trường vui vẻ và an toàn cho bé phát triển.
Bé nhận ra mẹ rất tốt và sợ khi phải xa mẹ, bé bám mẹ hơn và quấy mẹ hơn
Thứ 7: Sức Khỏe Của Bé
Bé bắt đầu mọc răng từ răng cửa hàm dưới
Sốt mọc răng: Bé có thể sốt nhẹ khi mọc răng. Mẹ hãy lau người bé bằng khăn ấm và đảm bảo cho bé đủ nước.
Rối loạn tiêu hóa: Táo bón hoặc tiêu chảy có thể xảy ra khi bé thử món ăn mới. Mẹ nên cho bé uống nước hoặc ăn những món giàu chất xơ như chuối hoặc khoai lang.
Ngủ không sâu giấc: Bé có thể ngủ chập chờn do không thoải mái hoặc đói, mẹ cần quan sát và điều chỉnh môi trường ngủ cho bé.
Thứ 8: Các Hiện Tượng Bất Thường Cần Lưu Ý
Trẻ không thể ngồi dù được hỗ trợ. Cơ lưng của trẻ 6 tháng tuổi đã phát triển tương đối khỏe mạnh nên có thể tự ngồi. Nếu bé 6 tháng tuổi không thể tự ngồi dù được bố mẹ hỗ trợ thì đó có thể là dấu hiệu của việc chậm phát triển về mặt thể chất. Cổ của bé cứng hoặc bé di chuyển đầu không dễ dàng
Bé không phản ứng với tiếng động xung quanh và không tạo ra âm thanh. Đây là dấu hiệu của những vấn đề liên quan đến thính giác hay dây thanh âm.
Bé không nhận ra bố mẹ hay những gương mặt quen thuộc. Điều này cảnh báo những vấn đề về sự phát triển nhận thức hay vấn đề về tầm nhìn.
Bé có kỹ năng vận động kém. Nếu em bé 6 tháng tuổi của bạn không hứng thú với việc chơi đùa cùng người thân hay đồ chơi, bé không cố gắng với tới các đồ vật xung quanh mình , bé không thể đưa một món đồ vào miệng hoặc không vận động thì có thể bé đang rơi vào tình trạng chậm phát triển.
Thứ 9: Ba mẹ có thể làm gì để hỗ trợ sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi?
Để hỗ trợ sự phát triển của bé 6 tháng tuổi về mặt thể chất và nhận thức, bố mẹ có thể làm những việc sau:
Tập cho bé nằm sấp mỗi ngày từ 10-15 phút để tăng cường sức mạnh cho cơ bắp của trẻ.
Bố mẹ có thể cùng bé chơi các trò chơi vận động như trò chơi lăn bóng, bắt đồ vật, bò qua con đường nhỏ, cùng con nghe nhạc và nhún nhảy theo điệu nhạc… Bố mẹ chơi đùa với bé giúp bé tăng vốn từ vựng, phát triển về mặt ngôn ngữ – bé sẽ có khả năng giao tiếp tốt trong tương lai. Thường xuyên vui chơi với bé sẽ giúp tình cảm giữa mẹ và bé gắn kết với nhau hơn, mẹ hiểu bé nhiều hơn. Bé sẽ có chỉ số IQ cao hơn nếu được bố mẹ chơi cùng nhiều hơn…
Đưa bé đi dạo và đọc sách cho bé nghe để kích thích thị lực của trẻ. Mẹ chăm nói chuyện với con thì bé sẽ mau nói hơn. Nếu bạn vẫn chưa có thói quen đọc sách cho bé mỗi tối, hãy bắt đầu từ bây giờ. Sử dụng cách sách tranh truyện đơn giản màu sách sống động. Hãy quan sát khuôn mặt bé khi bạn chỉ cho bé những hình ảnh sống động hay những cảnh quen thuộc. Mỗi khi giao tiếp với con, bạn đừng nhận xét hay phê phán điều gì, bởi vì em bé của bạn chắc chắn không làm như vậy đâu.
Cho trẻ giao lưu, làm quen với người mới để bé phát triển các kỹ năng giao tiếp và xã hội. Chúc các mẹ luôn kiên nhẫn, vui vẻ và tự tin trên hành trình đồng hành cùng bé yêu. Bé 6 tháng tuổi còn rất nhiều điều thú vị và chúng ta cùng chờ video tổng hợp kiến thức về bé 7 tháng tuổi nhé